Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Học kỳ trong quân đội": Cơ hội rèn luyện bản lĩnh cho tuổi trẻ

Không còn là những ngày hè lặng lẽ bên màn hình điện thoại và thế giới ảo, các em học sinh đã được trải nghiệm một mùa hè khác biệt: “Học kỳ trong quân đội” - nơi các em học được cách rèn luyện bản thân.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk04/07/2025

Những ngày nhập ngũ, các em được khoác lên mình màu áo xanh quân phục, sống trong môi trường kỷ luật, nghiêm túc, tự lập. Từ việc gấp chăn màn, rửa bát theo hàng lối, ăn ngủ đúng giờ… đến luyện điều lệnh đội ngũ, hành quân, băng qua chướng ngại vật, kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu, mỗi ngày trôi qua là một bài học thực tế về tính kỷ luật và tinh thần vượt khó. Từ những bài học nhỏ, các chiến sĩ "nhí" đã dần quen với sự nghiêm túc, chuẩn mực của môi trường quân ngũ.

Huấn luyện nghiêm nhưng không hề khô cứng. Xen kẽ với giờ thao trường là những buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu với chiến sĩ, xem phim tư liệu, nghe kể chuyện truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Những giờ học ấy giúp các em hiểu thêm về Tổ quốc, về lịch sử đấu tranh anh dũng của cha ông và trách nhiệm của thanh niên trong thời đại mới.

Hội thao "Chiến sĩ khỏe" tại Tiểu đoàn 303, (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Em Y Ken Ly Niê (xã Quảng Phú) chia sẻ: “Em chưa từng nghĩ mình sẽ thức dậy lúc 5 giờ sáng mà vẫn có thể tỉnh táo để tập thể dục, hành quân hay học điều lệnh. Sau vài ngày, em lại thấy thích, thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều".

 

Chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2025 do Tỉnh Đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức tại 3 địa điểm: Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk); Thao trường Tổng hợp (phường Bình Kiến, tỉnh Đắk Lắk), Đoàn An Điều dưỡng 198 (tỉnh Lâm Đồng) với sự tham gia của hơn 350 học sinh từ 9 - 17 tuổi.

Với em Trần Minh Sơn (phường Buôn Ma Thuột), những ngày được sống cùng các đồng đội trong môi trường quân đội thực sự là trải nghiệm ý nghĩa. “Những giọt mồ hôi dưới nắng, những vết trầy xước nhỏ khi hành quân, hay những bữa cơm đơn giản nhưng đầy ắp tiếng cười… đều là ký ức đáng nhớ”, Sơn tâm sự.

Trong mỗi chương trình “Học kỳ trong quân đội”, có lẽ hoạt động viết thư cho người thân và nhận thư từ gia đình là một điểm nhấn đầy cảm xúc. Đây không chỉ là bài học về tình yêu thương mà còn là cách giúp các em kết nối với gia đình một cách chậm rãi, truyền thống nhưng sâu sắc.

Không có bàn phím, không có màn hình cảm ứng, chỉ có giấy trắng, bút mực và cảm xúc thật. Nhiều em lúng túng khi bắt đầu, bởi đã quá lâu rồi không viết thư tay. Có em ngồi trầm ngâm hàng giờ chỉ để viết được mấy dòng: “Ba mẹ ơi, hôm nay con học cách gấp chăn. Con nhớ cơm nhà mình. Con nhớ mẹ”. Có em lại xúc động đến rơi nước mắt khi thổ lộ những điều chưa từng dám nói trước mặt cha mẹ: "Con xin lỗi vì trước đây hay cãi lời. Ở đây con học được cách tự lo, tự sống. Con mong có mẹ ở đây để được ôm mẹ thật chặt”.

Sau khi những lá thư được gửi đi ấy, một vài ngày sau, các em được nhận thư hồi âm từ gia đình. Có phụ huynh cẩn thận in ảnh con dán vào thư. Có người gửi thêm vài dòng của ông bà, anh chị em. Khi thư được trao tận tay từng chiến sĩ trong giờ sinh hoạt tối, cả doanh trại như lắng lại. Có tiếng cười, có nước mắt, có cả sự trưởng thành thầm lặng.

Chiến sĩ "nhí" trải nghiệm hành quân rừng "Tiến về Sài Gòn".

Ban tổ chức chương trình chia sẻ, việc viết thư và nhận thư giúp học viên tạm dừng lại giữa lịch trình rèn luyện để cảm nhận tình thân, thấu hiểu giá trị của sự quan tâm, biết trân trọng gia đình và biết nói lời yêu thương, điều mà nhiều bạn trẻ thường ngại ngùng trong đời sống hằng ngày.

Hoàn thành 5 - 7 ngày trong môi trường quân ngũ, nhiều em trở về nhà với những thay đổi rõ rệt về nếp sống, thái độ và trách nhiệm. Điều này được minh chứng cụ thể qua nhận xét của chính phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (xã Uar, tỉnh Gia Lai), phụ huynh của chiến sĩ nhí Mai Nguyễn Phi Anh tham gia “Học kỳ trong quân đội” tại Thao trường Tổng hợp (phường Bình Kiến) bộc bạch: “Trước khi đăng ký, tôi vẫn còn lo ngại về môi trường rèn luyện nghiêm khắc, sợ con chịu khổ. Nhưng chính những thay đổi tích cực của con sau chương trình đã trở thành câu trả lời thuyết phục nhất. Điều khiến tôi bất ngờ không phải là việc con tôi biết gấp chăn màn ngay ngắn hay sống kỷ luật hơn, mà là cách cháu nói chuyện sau khi trở về. Cháu lễ phép hơn, biết cảm ơn, biết nói lời xin lỗi, và đặc biệt là biết nói yêu ba mẹ bằng lời, điều mà trước giờ cháu rất ngại thể hiện”.

Anh Phương

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202507/hoc-ky-trong-quan-doi-co-hoi-ren-luyen-ban-linh-cho-tuoi-tre-6ce0090/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm