Huy động tổng lực
Tỉnh Ninh Bình mới đang bước vào giai đoạn “tăng tốc” với nền tảng là chiến lược phát triển toàn diện, các giải pháp đồng bộ đã được hoạch định; hạ tầng then chốt được ưu tiên đầu tư; mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang từng bước vận hành hiệu quả, hiện đại và gần dân hơn.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương Nam Định-Hà Nam-Ninh Bình trước ngày sáp nhập tỉnh, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã khẳng định: “Cuộc hợp nhất hành chính không được phép trở thành điểm đứt gãy trong mạch lãnh đạo mà phải là cú hích chiến lược để Đảng bộ tỉnh nâng tầm tư duy, đổi mới cách làm, khẳng định năng lực dẫn dắt trước thực tiễn đang vận động nhanh”.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển trong giai đoạn bản lề ấy, yêu cầu đặt ra là phải huy động được tổng lực toàn xã hội, giải phóng và kết nối mạnh mẽ các nguồn lực. Huy động nguồn lực phát triển không chỉ là đơn thuần là bài toán tài chính. Đó là quá trình giải phóng toàn bộ tiềm năng từ năng lực thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, vốn tri thức, tài nguyên, bản sắc văn hóa cho đến khối đại đoàn kết xã hội và niềm tin phát triển.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Ninh Bình mới xác định rõ phương châm: Phát huy nội sinh, tận dụng ngoại sinh, kết nối toàn diện, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng, lấy đổi mới thể chế làm then chốt và lấy lòng dân làm nền tảng bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ khẩn trương ban hành và vận hành hiệu quả các cơ chế đặc thù để phát huy các lợi thế hình thành sau sáp nhập, nhất là khai thác tiềm năng: từ vị trí chiến lược ở trung tâm liên kết vùng, trung tâm hành lang kinh tế ven biển Bắc Bộ, đồng bằng Sông Hồng và trục giao thương Bắc-Nam; từ tầm vóc lãnh thổ; từ quy mô dân số…
Trọng tâm là tỉnh ưu tiên tái cơ cấu đầu tư công gắn với sử dụng hợp lý các công cụ tài chính theo hướng tập trung, hiệu quả, tạo sức lan tỏa, dành trọng điểm ngân sách cho các công trình chiến lược như hạ tầng giao thông liên vùng, logistics, hạ tầng số, đô thị và các khu, cụm công nghiệp mới.
Phấn đấu đến giữa nhiệm kỳ 2025-2030 đảm bảo tự chủ ngân sách, tiến tới hình thành một nền tài chính địa phương chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Cùng với đó là đổi mới toàn diện công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực ưu tiên, như: kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, kinh tế sáng tạo. Hoàn thiện hệ thống chính sách thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao chỉ số PCI, PAPI và PAR Index.
Kích hoạt các dòng vốn ngoài ngân sách, đồng thời chủ động mở rộng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa, khoa học, công nghệ. Tranh thủ tối đa nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, nhất là các tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm quản lý phát triển bền vững. Phát huy vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế gắn với tháo gỡ các rào cản tâm lý, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên bình diện quốc tế, tỉnh chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với UNESCO và các định chế quốc tế, phát huy sức mạnh mềm của ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, mở rộng quan hệ giữa các đô thị di sản, các trung tâm du lịch. Đổi mới nội dung, phương pháp công tác đối ngoại, gắn với các chương trình thúc đẩy mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn FDI, ODA, các nguồn vốn khác cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đáng chú ý, tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính chủ động, kịp thời và đột phá trong điều hành phát triển: Điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, thay vì chờ điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Áp dụng cơ chế cấp phép đặc biệt cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không qua đấu giá đối với các dự án trọng điểm (dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước) nhằm bảo đảm tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng thủ tục cho nhà đầu tư.
Quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng tại các vùng chiêm trũng, đất lúa một vụ, sản xuất không hiệu quả để phát triển du lịch sinh thái, sân golf, tạo sinh kế mới và nguồn thu ổn định cho người dân. Cho phép lập quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng, điện gió, cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng du lịch và các cây cầu huyết mạch qua sông Đáy, sông Hoàng Long. Những công trình này góp phần tạo nguồn năng lượng và tạo động lực phát triển mới mang tính đột phá, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đồng thời kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố, khu du lịch, di sản trong và ngoài nước; kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Ủy quyền cho UBND tỉnh Ninh Bình được chấp thuận chủ trương điều chỉnh các dự án đầu tư, quyết định đầu tư đối với các dự án nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt, vùng đệm của di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh. Tỉnh cam kết thực hiện theo đúng quan điểm, mục tiêu, quy hoạch, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm phát triển hài hòa giữa bảo tồn và khai thác di sản. Quan tâm hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, tương đương 10% tổng vốn đầu tư dự kiến, để đầu tư vào các dự án động lực, giúp tỉnh vượt qua giai đoạn đầu sau hợp nhất.
Tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển
Dù có chiến lược đúng và nguồn lực dồi dào đến đâu, nếu thiếu niềm tin, sự đồng thuận và khát vọng chung, công cuộc phát triển vẫn khó có thể bền vững. Bởi vậy, xây dựng tinh thần đoàn kết, hành động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân là nhân tố then chốt.
Ngay tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hành động vì lợi ích chung, vì tương lai tỉnh nhà. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp Nhân dân, phát huy tính tích cực, năng động, giải phóng mọi nguồn lực, sức mạnh vật chất và tinh thần của mọi người dân để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển Ninh Bình ngày càng giàu mạnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020-2025 cam kết sẽ cùng toàn hệ thống chính trị giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh phân cấp, gắn phân quyền với kiểm tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong điều hành, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xúc tiến để sớm thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc tế; mở rộng vườn ươm, kết nối ý tưởng với thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, start-up tiếp cận vốn, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ đó, từng bước hình thành hệ sinh thái sáng tạo mang bản sắc Ninh Bình, trong đó mỗi công dân đều có thể trở thành người tạo giá trị, lan tỏa tinh thần kiến tạo và hội nhập. Từ dấu mốc hợp nhất mang tầm vóc lịch sử, một hành trình kiến tạo tương lai đang từng bước hiện lên hành trình của đổi mới tư duy, khơi dậy nội lực, kết nối nguồn lực, nuôi dưỡng khát vọng phát triển toàn diện và trường tồn.
Trên hành trình ấy, sự phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, Nhân dân là then chốt: Cấp ủy định hướng bằng tầm nhìn đúng đắn; chính quyền hành động bằng quyết tâm; Nhân dân đồng lòng bằng niềm tin, trách nhiệm công dân và khát vọng dựng xây. Với tư duy đổi mới, chiến lược chủ động, hành động quyết liệt và nguồn lực đang được khơi thông mạnh mẽ, tỉnh Ninh Bình mới tự tin bước vào một giai đoạn phát triển đột phá, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng phía Nam vùng Đồng bằng Sông Hồng, là thành phố di sản sáng tạo, hiện đại, văn minh trước năm 2035.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-but-pha-tu-hop-nhat-vuon-toi-tuong-lai-ky-iii-huy-608036.htm
Bình luận (0)