Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển bền vững cho làng nghề

Thành phố Đà Nẵng là cái nôi của nhiều ngành nghề, làng nghề giàu tiềm năng phát triển kinh tế và lưu giữ bản sắc văn hóa qua hàng trăm năm lịch sử. Nhận diện các thế mạnh, điểm yếu để phát triển bền vững làng nghề là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng18/07/2025

Thang An 4
Xã Thăng An đã kết hợp các đặc trưng văn hóa làng nghề với hoạt động trải nghiệm để tạo sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: QUANG VIỆT

Du lịch cộng đồng gắn với làng nghề

“Nhất mắm Cửa Khe, nhì chè An Phú”, câu ca nhắc nhớ về sản phẩm làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Thăng An, thành phố Đà Nẵng) nổi tiếng hàng trăm năm qua, được nhiều người ưa chuộng.

Làng nghề hiện nay có chừng 60 hộ dân tham gia giữ nghề. Làng Cửa Khe còn có bờ biển đẹp, dài khoảng 5km với nguồn hải sản phong phú. Người dân nơi đây vẫn giữ những nét văn hóa miền biển như giỗ tổ nghề mắm, lễ hội cầu ngư, diễn xướng bả trạo…

Kết hợp các giá trị đó, địa phương đã xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe.

Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng nghề nước mắm Cửa Khe đã kết hợp các đặc trưng văn hóa làng nghề với hoạt động du lịch trải nghiệm, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đảm bảo phát triển bền vững, đem lại sinh kế ổn định cho người dân.

Ông Hoàng Văn Tửu, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng An cho biết, đến nay phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe đem lại nhiều thành quả.

ba trao
Du khách tham quan, chiêm ngưỡng hát múa bả trạo ở xã Thăng An. Ảnh: QUANG VIỆT

Làng nghề bảo tồn quy trình làm nước mắm truyền thống, giới thiệu cho du khách về lịch sử, kỹ thuật làm mắm, ý nghĩa của nghề trong đời sống văn hóa của người dân. Văn hóa làng chài được khai thác qua nhiều hoạt động như đi thuyền thúng, đánh lưới, hát bả trạo… Chính quyền địa phương và người dân đã chung tay xây dựng câu chuyện hấp dẫn về làng nghề Cửa Khe giúp du khách thêm yêu mến vùng đất này.

“Chúng tôi đã giới thiệu các món ăn đặc sản của làng quê giúp du khách thưởng thức hương vị ẩm thực đặc trưng của địa phương. Các hoạt động vui chơi giải trí trên biển như tắm biển, chèo thuyền, câu cá, các trò chơi dân gian đem lại hứng thú cho du khách. Dịch vụ homestay tạo không gian lưu trú gần gũi, du khách chan hòa với thiên nhiên và văn hóa địa phương”, ông Tửu nói.

Để phát triển bền vững

Theo Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn có nhiều làng nghề đã thực sự đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, nhìn chung các làng nghề của thành phố có quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún. Thiết bị và công nghệ còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, chất lượng và mẫu mã của sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Trình độ tay nghề người lao động chưa được chú trọng đào tạo. Môi trường tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Mặt bằng và vốn cho sản xuất đang là nhu cầu cấp bách của các làng nghề. Thị trường tiêu thụ còn hẹp, thương hiệu làng nghề, quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư thỏa đáng…

Đó là những rào cản không dễ vượt qua để phát triển bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

tra que
Du khách nước ngoài trải nghiệm trồng rau cùng người nông dân ở làng rau Trà Quế. Ảnh: QUỐC TUẤN

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố cho rằng, để tạo cú hích cho phát triển làng nghề thời gian tới, cần kết hợp du lịch cộng đồng với bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, đây là hướng đi quan trọng.

Thực tế trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình du lịch cộng đồng được triển khai thành công đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển làng nghề. Tại làng nghề rau Trà Quế (phường Hội An Tây), các công ty du lịch đã tổ chức tour tham quan, du khách trải nghiệm trồng rau cùng nông dân, vừa phát triển du lịch vừa quảng bá thương hiệu rau sạch Trà Quế, đem lại nguồn thu khá cho nông dân. Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (phường Ngũ Hành Sơn) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua các sản phẩm lưu niệm…

Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, giải pháp quan trọng là cần có quy hoạch tổng thể cho các làng nghề, hài hòa với môi trường và các quy hoạch khác.

Phát triển làng nghề cần gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm, ổn định cảnh quan để thu hút du khách.

Rất cần có các chương trình đào tạo để truyền lại kỹ năng, bí quyết sản xuất cho thế hệ trẻ, đảm bảo kế thừa cho phát triển làng nghề.

Cùng với đó là triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm làng nghề, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, toàn tỉnh có 39 làng nghề; trong đó làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành cách đây hơn 400 năm, được UBND thành phố công nhận năm 2014. Hiện nay, làng nghề có 1 nghệ nhân nhân dân, 3 nghệ nhân ưu tú, 4 nghệ nhân do thành phố công nhận. Làng nghề có khoảng 384 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ với hơn 1.250 lao động đang tham gia sản xuất, kinh doanh với tổng giá trị hàng hóa bình quân 372 tỷ đồng/năm.

Nguồn: https://baodanang.vn/phat-trien-ben-vung-cho-lang-nghe-3297152.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm