Thực tiễn tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào bảo đảm chính sách an sinh xã hội đối với người dân khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Huế hiện nay
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2020, diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) là 494.711ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là 401.565ha, chiếm 81,17% tổng diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp: 87.083ha, chiếm 17,60% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng: 6.063ha, chiếm 1,23% tổng diện tích tự nhiên(1). Ngày 30-11-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15, “Về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương” trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4.947,11 km², quy mô dân số là khoảng 1,2 triệu người. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thành phố Huế đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội(2), đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp và xây dựng hạ tầng, các khu đô thị mới, dẫn đến việc thu hồi đất diễn ra thường xuyên. Trong quá trình đó, nhà đầu tư đóng vai trò không chỉ là người triển khai dự án mà còn có trách nhiệm xã hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng trong các dự án.
Một trong những hình thức tham gia tích cực của nhà đầu tư là hỗ trợ tái định cư. Các chủ đầu tư dự án đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng các khu tái định cư mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu nơi ở mà còn bảo đảm các điều kiện sống về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội tương đương hoặc tốt hơn so với khu vực cũ, qua đó góp phần ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.
Đối với dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, việc đền bù, giải phóng mặt bằng thi công cầu và đường dẫn phía Nam đã hoàn tất;đối với đoạn mặt bằng phía Bắc, mặc dù chủ đầu tư đã chuyển đủ kinh phí cho địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn vướng mắc do có một số hộ dân không chịu di dời đến khu tái định cư mới. Chủ đầu tư đã phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức đối thoại, giải quyết những kiến nghị, nhờ đó các hộ dân trong diện giải tỏa đã đồng thuận bàn giao mặt bằng(4). Cùng với kinh phí đền bù, chủ đầu tư đã hỗ trợ cho các hộ dân tiền thuê nhà trong lúc chờ xây dựng nhà mới ở khu vực tái định cư. Có thể thấy, công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành hiệu quả thể hiện rõ vai trò phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân. Chủ đầu tư đã thể hiện trách nhiệm cao bằng việc bảo đảm nguồn vốn; trong khi đó, chính quyền địa phương đã tích cực tổ chức đối thoại, giải quyết kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Nhờ những nỗ lực đó, tỷ lệ đồng thuận của người dân đạt được rất cao, góp phần bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hiện tại qua hầm Hải Vân.
Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, thuộc khu E - Đô thị mới An Vân Dương cũng đã dành một phần đáng kể diện tích cho nhà ở xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho những đối tượng có thu nhập thấp. Trong dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex (thuộc khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy) nhà đầu tư đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về giá bồi thường nhà cửa, cây trồng và đất đai, mồ mả theo các quyết định được ban hành(5). Trên cơ sở nội dung kiến nghị của người dân về mức giá đền bù quá thấp, không đủ kinh phí xây dựng nơi ở mới ổn định cuộc sống, di dời mồ mả, chủ đơn vị đầu tư và Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy đã chủ động phối hợp, kiến nghị đến cơ quan cấp trên thể hiện sự linh hoạt và tiếp thu ý kiến, các quy định về giá bồi thường đã được điều chỉnh kịp thời dựa trên kiến nghị của địa phương và người dân. Nhờ vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và Sở Xây dựng đã có Công văn chỉ đạo “Ban hành đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc và các loại mồ mả làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh”, góp phần bảo đảm tốt quyền lợi của những người bị ảnh hưởng bởi dự án, bảo đảm tính minh bạch, công bằng và hợp pháp trong quá trình đền bù, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước nhằm góp phần chung vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sự tin tưởng cho người dân.
Cùng với đó, các nhà đầu tư tư nhân cũng có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi quá trình thu hồi đất. Hơn 65% loại đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố Huế thuộc nhóm đất nông nghiệp; trong đó năm 2020 là hơn 273ha đất các loại, với hơn 183ha đất nông nghiệp, năm 2021 là hơn 359ha đất các loại, với hơn 227ha đất nông nghiệp, năm 2022 là hơn 434 ha đất các loại với, hơn 546ha đất nông nghiệp, năm 2023 là hơn 723ha đất các loại, trong đó 498,65ha đất nông nghiệp. Việc triển khai thu hồi đất nông nghiệp có tác động đến sinh kế của người dân, dẫn đến nhiều lao động bị mất việc làm truyền thống, phải chuyển đổi nghề nghiệp khác hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp. Để giải quyết việc làm cho các hộ nông dân bị thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã chỉ đạo các chủ đầu tư cam kết nhận người thân (trong độ tuổi lao động) của các gia đình bị thu hồi đất vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Thành phố Huế hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.400ha. Các khu công nghiệp không chỉ giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động mà còn thu hút hơn 170 dự án đầu tư, bao gồm nhiều dự án FDI lớn. Bên cạnh đó, một số dự án lớn đã chủ động phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề địa phương, thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như tại Khu công nghiệp Phong Điền - nơi đặt nhà máy của Tập đoàn Scavi, nổi bật với việc phát triển ngành may mặc. Tập đoàn đã hợp tác với các trung tâm đào tạo tại địa phương để phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao về dệt may. Điều này giúp cho người dân không chỉ được trang bị những kỹ năng nghề cần thiết để hòa nhập vào nền kinh tế hiện đại, mà còn có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định tại chính các dự án này hoặc các doanh nghiệp liên kết, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, khôi phục và phát triển kinh tế địa phương sau quá trình thu hồi đất.
Đối với nguồn tài chính của các nhà đầu tư hỗ trợ người dân bị thu hồi đất,bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định của pháp luật, nhiều nhà đầu tư đã chủ động chi trả các khoản hỗ trợ bổ sung, như dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An với diện tích 24,47ha, chủ yếu là đất lúa, tổng vốn đầu tư hơn 1.785 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 42,31 tỷ đồng. Việc nhà đầu tư đã chi trả một khoản tiền lớn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho thấy sự hợp tác tích cực với chính quyền địa phương và sự sẵn sàng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhờ đó, người dân bị ảnh hưởng được bảo đảm quyền lợi về tài sản, có thêm nguồn lực để ổn định cuộc sống, kinh doanh, sản xuất, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa.
Các nhà đầu tư cũng luôn chú trọng xây dựng,tài trợ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu. Nhiều dự án giáo dục, y tế và các công trình công cộng được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Một trong những điểm sáng của dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An là cam kết đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng, trong đó đất ở xây mới khoảng 10,87ha (bao gồm 8,5ha đất nhà ở thấp tầng và 23,4ha đất nhà ở xã hội) được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan, trường mầm non và dịch vụ thương mại. Qua đó, các nhà đầu tư không chỉ đóng vai trò là những chủ thể kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện và triển khai các dự án trên địa bàn thành phố Huế vẫn còn một số hạn chế, bất cập:
Thứ nhất, mặc dù các chính sách an sinh xã hội nói chung và đối với người dân khi Nhà nước thu hồi đất đã được ban hành, nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ. Nguyên nhân của vấn đề này, một phần do khung pháp lý về đầu tư và an sinh xã hội chưa hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ, dẫn đến việc các nhà đầu tư chưa có động lực mạnh mẽ để thực hiện các cam kết bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý, giám sát; nhiều thách thức khác chưa được xử lý triệt để, như thiếu vắng các chế tài bắt buộc cụ thể, một số nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến trách nhiệm xã hội hoặc đặt lợi nhuận lên trên lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, mức bồi thường hiện nay theo quy định vẫn thực sự chưa hợp lý, thường được xác định theo giá đất tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi, trong khi giá trị thực tế của đất đã tăng lên. Điều này khiến người dân thấy thiệt thòi dẫn đến nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Mặc dù Luật Đất đai năm 2024 đã thay đổi cách tính giá mới, bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất”. Theo đó “bảng giá đất” được xây dựng hằng năm và “bảng giá đất lần đầu” được công bố và áp dụng từ ngày 1-1-2026 và được điều chỉnh từ ngày 1-1 của năm tiếp theo sẽ giúp cho “bảng giá đất” tiệm cận giá đất thị trường, nhưng quy định này cũng sẽ làm gia tăng áp lực công việc cho các địa phương và đến nay vẫn áp dụng trên cơ sở khung giá đất cũ.
Thứ ba, mặc dù một số dự án hợp tác công tư được triển khai, nhưng nhìn chung, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào các hoạt động an sinh xã hội khi thu hồi đất chưa kịp thời. Khiến cho gánh nặng về tài chính và nguồn lực chủ yếu dồn lên ngân sách nhà nước. Mặc dù nhiều nhà đầu tư đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế, nhưng lại chưa thực sự quan tâm đến việc tham gia vào các hoạt động xã hội, như tài trợ cho các hoạt động từ thiện, xây dựng trường học, bệnh viện, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất; dẫn đến tình trạng thiếu sự đồng thuận và ủng hộ từ phía người dân, nhất là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình thu hồi đất, làm giảm hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội và tạo ra những rào cản trong việc thực hiện các dự án đầu tư.
Giải pháp tăng cường vai trò của nhà đầu tư trong việc bảo đảm chính sách an sinh xã hội đối với người dân khi nhà nước thu hồi đất
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khi đất đai được thu hồi để phục vụ các dự án kinh tế, xã hội và kết cấu hạ tầng, cần bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Để tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt ở các thành phố, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Một là, ngay khi thực hiện dự án, nhà đầu tư cần xây dựng dự án đầu tư chi tiết, rõ mục tiêu, quy mô và những tác động tích cực của dự án đối với cộng đồng. Cùng với đó, nhà đầu tư phải cam kết cung cấp đủ nguồn vốn để thực hiện các hoạt động bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Cam kết đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội, như trường học, bệnh viện, đường giao thông... tại địa phương. Việc này tạo cơ sở cho cơ quan nhà nước phê duyệt dự án.
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm an sinh xã hội của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Bao gồm việc quy định cụ thể về các nghĩa vụ của nhà đầu tư, như hỗ trợ tái định cư, tạo việc làm, đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ để bảo đảm các cam kết bảo đảm an sinh xã hội cho người dân của chủ đầu tư được thực hiện đầy đủ, khuyến khích các hoạt động an sinh xã hội của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền lợi của mình. Nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để triển khai việc thu hồi đất của người dân theo đúng quy định, trình tự pháp luật. Ngược lại, chính quyền địa phương cần thể hiện rõ vai trò chủ động trong phối hợp với nhà đầu tư, hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi và thích nghi với cuộc sống mới. Cần đề ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững.
Bốn là, tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào các hoạt động hỗ trợ, tái định cư. Nhà đầu tư tư nhân có thể cung cấp các gói hỗ trợ tài chính linh hoạt, bao gồm cả vốn vay ưu đãi và các dịch vụ tư vấn, giúp người dân tiếp cận được các cơ hội đầu tư mới, xây dựng nhà ở mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh đối thoại giữa nhà đầu tư và người dân. Các nhà đầu tư nên chủ động tổ chức các buổi đối thoại, hội thảo, hoặc tổ chức các cuộc khảo sát để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng. Qua đó, nhà đầu tư nắm bắt rõ hơn những khó khăn, vướng mắc mà người dân đang gặp phải, đặc biệt là về các vấn đề, như tái định cư, hỗ trợ việc làm và các chính sách bồi thường. Nhà đầu tư có thể giới thiệu những dự án đầu tư mới, những cơ hội việc làm mới nhằm tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng.
Sáu là, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội xây dựng và triển khai các chương trình an sinh xã hội, như xây dựng trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề... để chia sẻ gánh nặng với cộng đồng, tạo dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp, góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh. Đồng thời, chính quyền địa phương phải luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện nhanh các thủ tục hành chính để các chương trình an sinh xã hội được triển khai hiệu quả và bền vững./.
---------------------
(1) Xem: Lê Hiếu: “Dự án hầm Hải Vân 2 đã gỡ vướng giải phóng mặt bằng”, Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam, ngày 29-7-2019, https://vov.vn/xa-hoi/du-an-ham-hai-van-2-da-go-vuong-giai-phong-mat-bang-937662.vov
(2) Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(3) Xem: Lê Hiếu: “Dự án hầm Hải Vân 2 đã gỡ vướng giải phóng mặt bằng”, Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam, ngày 29-7-2019, https://vov.vn/xa-hoi/du-an-ham-hai-van-2-da-go-vuong-giai-phong-mat-bang-937662.vov
(4) Như: Nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 2), Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, Sân Golf Quốc tế và khu dịch vụ phụ trợ khách sạn golf và khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, giai đoạn II của dự án Laguna Lăng Cô, Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Kim Long Lăng Cô, Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô Spa Resort,... Các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền - Viglacera; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây và các dự án đầu tư tại khu vực đô thị mới An Vân Dương, dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); các dự án chỉnh trang phát triển đô thị,... và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; Đường vành đai 3, Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; Tuyến đường kết nối từ khu B - An Vân Dương về trung tâm thị trấn Phú Đa,...
(5) Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND, ngày 23-2-2023, của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, “Về đơn giá cây trồng”; Quyết định số 80/2019/QĐ-UBND, ngày 21-12-2019, của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, “Về việc ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng trong thời gian 5 năm (2020-2024)”; Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND, ngày 3-2-2023, của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, “Về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng trong thời gian 5 năm (2020 - 2024)”; Quyết định số 1735/QĐ-UBND, ngày 20-7-2023, về “Ủy quyền quyết định giá đất cụ thể cho các Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã” và Quyết định số 2428/QĐ-UBND, ngày 16-10-2023, “Về việc hủy bỏ hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex tại Quyết định số 1062/QĐ-UBND, ngày 10-5-2023”.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/1083402/tang-cuong-vai-tro-cua-nha-dau-tu-tu-nhan-trong-bao-dam-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-doi-voi-nguoi-dan-khi-nha-nuoc-thu-hoi-dat-tren-dia-ban-thanh-pho-hue.aspx
Bình luận (0)