Tín dụng tăng trưởng mạnh
Tại cuộc họp thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước sáng 8/7, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, dựa trên mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát năm 2025 do Quốc hội, Chính phủ giao, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm, với nguyên tắc công khai, minh bạch.

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm ngoái, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh.
Nếu tính theo số tuyệt đối, chỉ sau nửa năm, đã có gần 1,55 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được bơm ra nền kinh tế, tương đương gần 260.000 tỷ đồng/tháng.
Nếu so với cùng kỳ năm 2024, con số này đã tăng 19,32%, cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã tăng 5,3% so với cuối năm 2024, chiếm 23,1% dư nợ nền kinh tế; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,7%, chiếm 17,5% tổng dư nợ; tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,9%, chiếm 2,06% tổng dư nợ; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 15,6%, chiếm 3,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế...
Trong những tháng còn lại của năm, ông Phạm Thanh Hà nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất định.
Đơn cử, ngay đầu giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa. Bên cạnh đó, lạm phát đã giảm về gần với lạm phát mục tiêu, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại...
Trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tỷ giá linh hoạt và kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh...
Tiền đồng mất giá gần 3%
Tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến đồng tiền (VNĐ) mất giá 2,7-2,8%, trong khi từ đầu năm 2024, chỉ số đồng USD giảm từ 10%.
Ông Quang nhấn mạnh, một trong những lý do chính là việc duy trì lãi suất tiền đồng ở mức thấp.
Theo ông Quang, lãi suất là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của một đồng tiền. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 0,6% so với cuối năm 2024.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cũng đòi hỏi những đánh đổi. Mặc dù lãi suất thấp giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, song sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng khắc phục khó khăn về thu nhập thông qua việc hạ thuế và giảm các khoản trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế.
Mặt khác, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phân tích, khi VNĐ không còn hấp dẫn, đồng USD hấp dẫn hơn, các tổ chức sẽ chuyển sang nắm giữ USD.
"Mặc dù nhìn cán cân thanh toán của chúng ta vẫn ổn định, có thặng dư tốt nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh liên quan đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút từ năm 2024 đến nay", ông Quang nhấn mạnh.
Đề cập diễn biến tỷ giá và lãi suất trong 6 tháng cuối năm, ông Quang điểm lại thông tin ngay trong sáng cùng ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có công bố mức thuế đối ứng với 14 quốc gia. Ông cho rằng, với biểu thuế suất này, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Theo ông Quang, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, thị trường xuất khẩu rộng mở, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy chính sách thuế sẽ ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng là điều đáng quan tâm. Theo đó, FED đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần do chính sách thuế của chính quyền ông Trump. Lạm phát của các nước châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh.
Vụ trưởng Quang cho rằng, điều hành lãi suất của FED rất khó lường sẽ tác động lớn đến sự vận động của lãi suất và tỷ giá.
Nguồn: https://baolaocai.vn/vi-sao-lai-suat-ngan-hang-giam-lien-tiep-post648230.html
Bình luận (0)