Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Gỡ khó' cho ngành chăn nuôi

Trước thực trạng ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp từ chính sách tín dụng, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường. Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng không chỉ nhằm “gỡ khó” trước mắt mà còn tạo nền tảng cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến động thị trường.

Báo Long AnBáo Long An07/07/2025

Người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng dịch bệnh cho vật nuôi

Còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, ngành chăn nuôi tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh, từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững. Nhiều mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học và thân thiện với môi trường được triển khai, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.

Trong gần 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là giá vật tư đầu vào tăng cao. Cụ thể, chi phí thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y liên tục tăng, trong khi giá bán sản phẩm không ổn định. Giá heo hơi có lúc dao động quanh mức 46.000-49.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất. Người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ phải giảm đàn, thậm chí “treo chuồng” chờ tín hiệu khả quan hơn từ thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Nhơn Ninh) chia sẻ: “Năm trước, giá heo hơi xuống quá thấp, mỗi con bán ra lỗ vài trăm ngàn đồng. Do đó, tôi không dám tái đàn. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá heo tăng trở lại, hiện ở mức hơn 7,2 triệu đồng/tạ. Giá heo hơi tăng đồng nghĩa giá heo con cũng tăng nên tôi vẫn còn băn khoăn, chưa tái đàn”.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường là mục tiêu mà ngành chăn nuôi tỉnh hướng đến

Không chỉ giá cả, dịch bệnh trên vật nuôi cũng là nguyên nhân khiến người chăn nuôi lao đao. Dù ngành chức năng kiểm soát khá tốt các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi,... nhưng nguy cơ tái phát vẫn hiện hữu. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ chưa có điều kiện đầu tư chuồng trại khép kín, chưa áp dụng đầy đủ biện pháp an toàn sinh học nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng nông hộ nhỏ, lẻ, nâng tỷ trọng trang trại công nghệ cao; tăng sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; đồng thời, nâng cao năng lực kiểm soát môi trường chăn nuôi và xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với vùng sản xuất”.

Chị Nguyễn Thị Hường, hộ nuôi gà thịt tại xã Tân Lân, cho biết: “Trước giờ, tôi chỉ nuôi gà thịt, mỗi lứa khoảng 2.000 con, lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/lứa. Nhưng từ đầu năm 2025 đến nay, giá thức ăn tăng mạnh mà giá gà lại bấp bênh, có lúc xuống dưới 40.000 đồng/kg. Chăn nuôi không có lợi nhuận nên tôi dự định giảm đàn”.

Trong khi đó, một số trang trại đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ cao thì lại gặp khó trong tiếp cận thị trường. Sản phẩm chăn nuôi đa phần chưa có thương hiệu, chưa xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nên dễ bị ép giá, phụ thuộc vào thương lái. Điều này khiến việc đầu tư vào chăn nuôi dễ gặp rủi ro và thiếu bền vững.

Hướng đến chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan xây dựng các định hướng, giải pháp đồng bộ nhằm phục hồi và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Trước hết, Sở tập trung xây dựng và mở rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn cho sản xuất trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi để từng bước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Song song đó, Sở đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người chăn nuôi nhằm hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra ổn định, giảm những rủi ro về thị trường.

Một hướng đi đáng chú ý là phát triển chăn nuôi tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm làm phân bón, năng lượng sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều trang trại lớn đã đầu tư hệ thống biogas, hầm ủ phân bón hữu cơ, tái sử dụng nước thải xử lý, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế chất thải ra môi trường. Đây là hướng phát triển phù hợp với xu thế nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch mà tỉnh đang hướng tới.

Về lâu dài, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại hệ thống chăn nuôi theo vùng, bảo đảm phù hợp với điều kiện sinh thái và mật độ dân cư. Các dự án đầu tư mới phải đáp ứng yêu cầu về công nghệ xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, Sở sẽ sớm bổ sung các chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tín dụng xanh cho các hộ chăn nuôi đầu tư nâng cấp chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, chuyển đổi giống vật nuôi có năng suất cao, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng nông hộ nhỏ, lẻ, nâng tỷ trọng trang trại công nghệ cao; tăng sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; đồng thời, nâng cao năng lực kiểm soát môi trường chăn nuôi và xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với vùng sản xuất.

Trong giai đoạn “chuyển mình” đầy thử thách như hiện nay, khó khăn là điều không thể tránh khỏi nhưng không phải là không thể vượt qua nếu có sự đồng lòng giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Với định hướng phát triển bền vững, chú trọng yếu tố môi trường và an toàn sinh học, tỉnh Tây Ninh hoàn toàn có cơ hội xây dựng ngành chăn nuôi hiện đại, tạo sinh kế ổn định cho người dân và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/go-kho-cho-nganh-chan-nuoi-a198264.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm