Bảo tồn dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số
Đông Khê là một trong những xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo được bà con gìn giữ và phát huy. Đặc biệt là hát sli, lượn slương, hát then, đàn tính là một trong những làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Trước sự phát triển của hội nhập quốc tế và nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, xã chỉ đạo các thôn, xóm thành lập các Câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của DTTS.
Các buổi sinh hoạt CLB dân ca, dân vũ rất sôi động. Hát Then, đàn tính và lượn slương là một trong những làn điệu được các thành viên CLB lựa chọn để tập luyện nhiều nhất. Các thành viên trong CLB ngoài sưu tầm lại những bài hát dân ca cổ còn tự sáng tác các bài hát, điệu múa Then rất đa dạng phản ánh các mặt trong đời sống sinh hoạt phong phú.
Bà Hà Thị Mai, thành viên CLB dân ca Đức Xuân, xã Đông Khê chia sẻ: Khi thành lập và ra mắt CLB dân ca, tôi và các thành viên trong CLB nỗ lực tuyên truyền cho bà con trong xã giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, dân ca, dân vũ được coi như món ăn tinh thần gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào. Để giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, CLB thường xuyên tuyên truyền, vận động các bạn trẻ, các cháu học sinh cùng tham gia CLB để được truyền dạy các làn điệu dân ca nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc.
Phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển. Nhờ đó hiện nay, toàn tỉnh có hơn 800 đội văn nghệ quần chúng, hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Phát triển 10 chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh với 2.200 hội viên... Bà Chu Thị Thảo, xóm Cà Mèng, xã Cốc Pàng cho biết: Đội văn nghệ của xóm thường xuyên tập luyện các bài hát dân ca, các điệu múa (múa trống đồng, múa dâng trà, múa mừng lúa mới)… để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn, xóm, tham gia biểu diễn ở ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô. Đây là những làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Lô Lô nên các thành viên trong đội luôn có ý thức tập luyện và truyền dạy cho các thế hệ từng động tác, nét mặt, dáng múa... nhờ đó, giá trị văn hóa truyền thống của từng bài dân ca, dân vũ, dân nhạc được quan tâm bảo tồn, phát huy và trở thành nét đẹp trong các dịp lễ, tết, hội... tại địa phương.
Với tinh thần khơi dậy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, những năm qua các cấp, ngành có nhiều giải pháp khác nhau trong bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 1/4/2020 về bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc tỉnh; UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”. Từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai và cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc tuyên truyền, tỉnh tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; sau kiểm kê, hiện đang lưu giữ trên 2.000 di sản. Thông qua kiểm kê, lựa chọn lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh được công nhận 1 nghệ nhân nhân dân, 23 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ sĩ nhân dân và 5 nghệ sĩ ưu tú. Tiến hành nghiên cứu, điền dã, điều tra thực tế, kiểm kê thực trạng loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS trên địa bàn tỉnh, từ đó lựa chọn nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm để đề nghị và được công nhận là Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Biến di sản thành tài sản
Là một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút khá đông khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Hưng Đạo những năm qua phát huy tốt giá trị văn hóa bản địa trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ông Chi Văn Tòng, chủ homestay xóm Khuổi Khon cho biết: Đồng bào dân tộc Lô Lô vẫn giữ được những nét văn hóa của dân tộc mình nên năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt thực hiện Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Xóm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Khuổi Khon; bảo tồn nhà truyền thống đồng bào Lô Lô; thành lập đội văn nghệ quần chúng, xây dựng chương trình nghệ thuật, trong đó có tiết mục đánh trống đồng cổ truyền của người Lô Lô; các nghi lễ đám cưới, lễ cúng thần rừng (cầu mưa) của đồng bào Lô Lô đã được nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn; tại nhà sinh hoạt cộng đồng của xóm, trưng bày trống đồng Lô Lô; người dân được đào tạo, tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững du lịch cộng đồng; nâng cao chất lượng phục vụ của các homestay... Qua đó, khách du lịch đến trải nghiệm tăng theo từng năm. Hiện xóm có 5 hộ gia đình làm homestay, hằng ngày có khách nước ngoài đến tham quan, ăn nghỉ tại các homestay. Có gia đình thu nhập trên 40 triệu đồng/năm từ làm homestay.
Điều hấp dẫn du khách chính là những “sắc màu” riêng biệt, độc đáo và khác lạ của mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc... nhận thức được điều đó, hiện nay, tại các điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh đều thành lập cho mình những đội văn nghệ quần chúng, xây dựng những tiết mục nghệ thuật là những bài hát dân ca, những điệu dân vũ độc đáo để phục vụ du khách. Ông Ngô Tuấn Anh đến từ Đà Nẵng chia sẻ: Tôi đến tham quan, du lịch ở làng đá Khuổi Ky, điều thu hút tôi ngoài phong cảnh đẹp, những ngôi nhà sàn đá độc đáo là những món ẩm thực lạ miệng, hấp dẫn và được thưởng thức những làn điệu Then, đàn tính do chính những người dân bản địa biểu diễn.
Nhờ phát huy giá trị của dân ca, dân vũ trong phát triển du lịch, những năm qua lượng khách du lịch đến Cao Bằng tăng qua các năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, khách du lịch ước đạt 1.520.063 lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ, trong đó, khách du lịch quốc tế, tăng 176,8% so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa tăng 44,3% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khảo sát, kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS; tổ chức phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch; xây dựng các tour, tuyến gắn với hoạt động của đội văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng nền du lịch bền vững và đậm đà bản sắc.
Nguồn: https://baocaobang.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-dan-ca-dan-vu-dan-toc-thieu-so-3178510.html
Bình luận (0)